• 0904913689
  • office@vinshipping.com

Giá TACT là gì? Cách tính cước vận tải hàng không đơn giản nhất

Giá TACT là gì?

Giá TACT là từ viết tắt của “The Air Cargo Tariff” nghĩa là Biểu thuế hàng hóa hàng không. Thuật ngữ này được xuất bản bởi IAP (International Airlines Publications) – một công ty của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế IATA (International Air Transport Association).

Mỗi năm, IATA cho phát hành 3 cuốn biểu thuế hàng hóa hàng không gồm:

  • Quy tắc TACT (TACT Rules): Phát hành và xuất bản 2 cuốn/năm.
  • Cước TACT: Gồm 2 cuốn, cứ 2 tháng sẽ xuất bản một cuốn mới gồm:
    • Cước toàn thế giới (trừ Bắc Mỹ)
    • Cước Bắc Mỹ (cước đi/đến và cước nội địa (Mỹ + Canadas).

TACT được hiểu là một hệ thống giá cước và quy tắc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Nó cung cấp thông tin về giá cước, điều kiện vận chuyển, và các quy định khác liên quan đến vận tải hàng hóa bằng đường không.

Giá cước TACT giúp các hãng hàng không và các đối tác trong ngành công nghiệp vận chuyển hàng hóa dễ dàng theo dõi và áp dụng các quy tắc cũng như giá cước thống nhất.

Cách tính giá TACT – cước vận tải hàng không

Giá cước vận tải hàng không TACT được tính theo công thức sau:

Giá cước hàng không TACT = Đơn giá cước (Rate) x Khối lượng tính cước (Chargeable Weight)

Trong đó:

Đơn giá cước (Rate)

Đơn giá cước (Rate) trong vận tải hàng hóa bằng đường hàng không, là mức giá được áp dụng cho việc vận chuyển một đơn vị hàng hóa cụ thể (thường được tính bằng đơn vị kg) từ một địa điểm này đến địa điểm khác.

Đơn giá cước thường phản ánh chi phí của dịch vụ vận chuyển và có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố như loại hàng hóa, khoảng cách và điều kiện thị trường.

Trên thực tế, đơn giá cước không cố định mà phụ thuộc vào từng thời điểm, từng dịch vụ vận tải hàng không và từng hãng hàng không.

Theo từng khoảng khối lượng hàng hóa thì các hãng hàng không sẽ công bố bảng giá cước vận chuyển hàng không của mình. Cụ thể:

  • Hàng hóa vận tải đường hàng không trọng lượng <45kg (ký hiệu là -45)
  • Hàng hóa vận tải đường hàng không trọng lượng từ 45 – 100kg (ký hiệu là +45)
  • Hàng hóa vận tải đường hàng không trọng lượng từ 100 – 300kg (ký hiệu là +100)
  • Hàng hóa vận tải đường hàng không trọng lượng từ 300 – 500kg (ký hiệu là +300)
  • Hàng hóa vận tải đường hàng không trọng lượng từ 500 – 1.000kg (ký hiệu là +500)

Khối lượng tính cước (Chargeable Weight)

Khối lượng tính cước (Chargeable Weight) là một khái niệm trong ngành vận tải hàng hóa, đặc biệt là khi sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.

Chargeable Weight không nhất thiết phải bằng khối lượng thực tế của hàng hóa. Thay vào đó, nó được tính dựa trên trọng lượng nào lớn hơn giữa khối lượng thực và một giá trị tính toán dựa trên kích thước hoặc quy tắc cụ thể của hãng hàng không.

Việc này thường được thực hiện để phản ánh độ chiếm giữ không gian trên máy bay và chi phí tăng thêm do kích thước lớn.

Theo công thức mà IATA đưa ra, khối lượng thực tế và khối lượng thể tích sẽ được quy đổi như sau:

Khối lượng thể tích = Thể tích hàng hóa/6.000

Trong đó:

  • Khối lượng thực tế: Khối lượng chính xác của lô hàng hóa đã được đóng gói và cân đo ngay tại khu vực sân bay.
  • Khối lượng thể tích: Còn được gọi là khối lượng kích thước, là khối lượng do hiệp hội IATA quy định và được quy đổi theo công thức ở trên.

Một số loại cước hàng không khác

Ngoài giá cước TACT thì trong lĩnh vận tải hàng hóa bằng đường hàng không còn có một số loại giá cước khác. Các loại cước hàng không phổ biến gồm:

Cước hàng bách hóa (GCR – General cargo rate)

General Cargo Rate (GCR) là mức giá cước chung áp dụng cho vận chuyển hàng hóa phổ thông, không thuộc vào các loại hàng đặc biệt hay quy định đặc biệt.

GCR thường là một trong những đơn giá cước cơ bản được áp dụng cho các loại hàng hóa thông thường và được sử dụng để tính toán chi phí vận chuyển giữa 2 địa điểm.

Tuy nhiên, giá cước có thể thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như địa điểm, hãng hàng không, và điều kiện thị trường. Theo đó, GCR sẽ giảm nếu khối lượng hàng hoá gửi tăng lên.

Cước hàng bách hóa GCR được phân chia làm 2 loại:

  • GCR-N – Normal general cargo rate: Áp dụng đối với hàng bách hóa < 45kg
  • GCR-Q – Quality general cargo rate: Áp dụng đối với những lô hàng >= 45kg

Cước tối thiểu (M – Minimum rate)

Minimum rate (M là mức giá cước tối thiểu mà một dịch vụ vận chuyển hoặc hãng vận chuyển sẽ áp dụng cho một lô hàng hóa hoặc một giao dịch cụ thể.

Thông thường, ngay cả khi khối lượng hoặc giá trị hàng hóa thấp hơn, cước tối thiểu vẫn sẽ được áp dụng để đảm bảo mức thu nhập tối thiểu cho dịch vụ vận chuyển hoặc hãng vận chuyển.

Cước tối thiểu có thể thay đổi tùy thuộc vào loại dịch vụ vận chuyển và điều kiện thị trường. Nó thường được sử dụng để đảm bảo tính cân đối trong chi phí vận chuyển và bảo đảm lợi nhuận tối thiểu cho nhà cung cấp dịch vụ.

Cước hàng đặc biệt (SCR – Specific cargo rate)

Specific cargo rate (SCR) thường có giá thấp hơn so với cước hàng bách hóa GCR và hay được áp dụng cho những loại hàng hóa đặc biệt trên các đường bay nhất định.

Trên thực tế, để áp dụng cước đặc biệt thì hàng hóa cần có trọng lượng là 100kg, một số quốc gia áp dụng trọng lượng tối thiểu <100kg.

Theo hiệp hội IATA, các loại hàng hóa áp dụng cước SCR được chia thành 9 nhóm lớn. Bao gồm:

  • Nhóm 1: Rau củ và các loại nông sản (0001 – 0999)
  • Nhóm 2: Trái cây và động vật sống (2000 – 2999)
  • Nhóm 3: Kim loại và các loại sản phẩm kim loại (3000 – 3999)
  • Nhóm 4: Xe vận tải, máy móc và sản phẩm điện tử (4000 – 4999)
  • Nhóm 5: Khoáng vật phi kim loại và sản phẩm phi kim (5000 – 5999)
  • Nhóm 6: Hóa chất và các sản phẩm từ hóa chất (6000 – 6999)
  • Nhóm 7: Sản phẩm từ gỗ, sậy, cao su, giấy (7000 – 7999)
  • Nhóm 8: Thiết bị, dụng cụ nghiên cứu khoa học (8000 – 8999)

Lưu ý: Trong các nhóm lớn được đề cập ở trên thì cũng được chia thành các nhóm nhỏ hơn.

Cước phân loại hàng (Class rate/Commodity Classification Rates)

Class rate trong vận tải hàng không là một hệ thống giá cước dựa trên việc phân loại các loại hàng hóa thành các nhóm hay lớp (class) khác nhau. Mỗi nhóm này sẽ có một mức cước cố định và việc xác định lớp của hàng hóa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển.

Class rate được áp dụng khi hàng hóa đó không có giá cước riêng, được tính theo phần trăm tăng hoặc giảm của giá cước bách hóa GCR.

Các loại hàng hóa chính áp dụng giá cước Class rate gồm:

  • Ðộng vật sống: Class rate tính bằng 150% cước hàng bách hóa GCR thông thường.
  • Hàng trị giá cao (đồ trang sức, vàng bạc, đá quý,…): Class rate tính bằng 200% cước hàng bách hóa GCR thông thường.
  • Sách báo, tạp chí,…: Class rate tính bằng 50% cước hàng bách hóa GCR thông thường.
  • Hành lý: Class rate tính bằng 50% cước hàng bách hóa GCR thông thường.
  • Hài cốt và giác mạc loại nước được miễn phí cước Class rate ở đa số quốc gia.

Cước tính cho mọi loại hàng (FAK – Freight all kinds) 

Freight All Kinds (FAK) là một loại giá cước được áp dụng cho mọi loại hàng hóa xếp trong container, nếu trọng lượng và thể tích tương đồng, không phụ thuộc vào phân loại chi tiết của chúng.

Thay vì sử dụng hệ thống phân loại cụ thể, hãng vận tải áp dụng một mức giá chung cho tất cả các loại hàng hóa, giúp đơn giản hóa quá trình đặt hàng và tính toán chi phí.

FAK có ưu điểm là tính đơn giản, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, nhược điểm của giá cước này là không công bằng.

Cước ULD (ULD Rate)

ULD Rate là giá cước áp dụng cho các loại hàng hóa chuyên chở trong các ULD tiêu chuẩn theo quy định của IATA.

Trên thực tế, ULD rate thấp hơn cước hàng rời. Trong quá trình tính cước ULD sẽ không phân biệt chủng loại hàng hóa hay số lượng mà chỉ dựa trên số lượng và chủng loại ULD. Số lượng ULD càng lớn thì giá cước ULD càng giảm.

Cước hàng thống nhất (Unified Cargo Rate)

Unified Cargo Rate là giá cước được áp dụng cho hàng hóa được chuyên chở qua nhiều chặng bay khác nhau. Lúc này, người chuyên chở chỉ áp dụng một loại giá cước duy nhất cho tất cả các chặng vận chuyển.

Cước hàng thống nhất có thể thấp hơn tổng số tiền cước cho các chuyến hàng được chở riêng biệt được thực hiện bởi nhiều đơn vị chuyên chở khác nhau.

Cước hàng chậm

Giá cước hàng chậm được áp dụng cho những lô hàng hóa không cần vận chuyển gấp, có thể chờ.

Cước hàng chậm thường thấp hơn giá cước vận tải hàng không thông thường. Bởi vì các hãng hàng không thường khuyến khích khách hàng gửi hàng chậm để tiện sắp xếp hàng hóa lên máy bay.

Cước hàng gửi nhanh (Priority rate)

Priority Rate còn được gọi với cái tên là cước ưu tiên. Nó được áp dụng cho các loại hàng hóa cần được gửi gấp trong khoảng thời gian 3 giờ từ lúc hàng được giao cho đơn vị chuyên chở.

Thông thường, cước hàng gửi nhanh  được tính bằng 130 – 140% so với giá cước bách hóa GCR.

Cước hàng nhóm (Group rate)

Group Rate là loại giá cước được áp dụng cho nhóm đối tượng khách hàng có hàng hóa được gửi thường xuyên qua đường hàng không, đựng trong các pallet hoặc container.

IATA cho phép các hãng hàng không thuộc hiệp hội có thể giảm tối đa 30% giá cước so với cước bách hóa GCR thông thường cho các nhóm đại lý và người giao nhận hàng không.

Như vậy, TSL đã cùng bạn tìm hiểu khái niệm TACT là gì và cách tính giá cước vận tải hàng không TACT chuẩn xác. Hy vọng qua những chia sẻ ở trên bạn đã hiểu rõ các thông tin về giá cước vận tải hàng không và thành thạo cách tính giá TACT thực tế.